10 ngàn tấm ảnh đầu tiên là những tấm ảnh tệ nhất của bạn
Henri Cartier-Benson
Bạn đã chụp được bao nhiêu tấm ảnh rồi? Hãy xem sau đây 36 điều tổng hợp qua tài liệu và nhiều năm kinh nghiệm của Vũ Công Hiển.
- Chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi đi chụp. Đừng để đến khi đang loay hoay chỉnh máy chụp cảnh bình minh mới nhận ra sắp hết pin thì đã quá muộn. Hoặc giữa trời nắng chang chang mà ISO vẫn còn set 1600 từ đêm hôm trước khi chụp thành phố về đêm.
- Tập thói quen mang theo chân máy (tripod) mỗi khi đi chụp, dù chụp cái gì và điều kiện thời tiết ra sao. Có dùng đến nó hay không là chuyện khác.
- Ngắm cái đẹp của phong cảnh mình muốn chụp để tạo cảm hứng và thả hồn vào cảnh trước khi giơ máy lên bấm. Vội vã, lụp chụp bấm sẽ chỉ cho ra những tấm ảnh không có hồn.
- Đi tìm phong cách riêng cho mình. Đừng cố bắt chước phong cách của người khác.
- Nên tham gia một nhóm nhiếp ảnh để có thể học hỏi được nhau nhanh hơn. Chỉ khi nào đã trở thành “bậc cao thủ” mới có thể chơi ảnh một mình.
- Tìm người nhận xét cho các bức ảnh mình chụp và học cách nghe lời phê bình mà không tự ái hay tìm cách bào chữa.
- Tạo cảm hứng từ tác phẩm của các nhiếp ảnh gia khác nhưng không bắt chước chụp theo y như họ.
- Nhận xét và phê bình một cách chân thành trong sự tôn trọng người khác.
- Trong một số trường hợp, chúng ta không cần mất công đi tìm người mẫu mà có thể tự làm người mẫu cho bức ảnh của mình. Tại sao không chụp chân dung cho chính mình?
- Hãy đọc những tài liệu về nhiếp ảnh để tìm hiểu và mở rộng sự hiểu biết. Internet là nguồn tài liệu vô tận mà ta không cần tốn tiền mua.
- Tạo vẻ đẹp cho ảnh phong cảnh bằng sự hiện diện của con người (có thể là chính mình).
- Không có tình huống chụp nào giống tình huống nào. Cho nên khi cơ hội đến hãy chụp ngay, đừng nghĩ sẽ còn có nhiều dịp khác.
- Chỉ nên chụp với định dạng ảnh thô RAW nếu bạn đã rành về Photoshop và nếu đó là ảnh quan trọng, chẳng hạn sẽ được dùng để dự thi ảnh nghệ thuật. Định dạng RAW có rất nhiều bất lợi so với JPG. (Ảnh RAW tốn file hơn, tốn thời gian chỉnh sửa và sao chép hơn, khó chụp liên tục nhiều tấm và khó sử dụng khi gửi đi cho người khác…)
- Nên nhớ để trở thành nhiếp ảnh gia có hạng, bạn phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Không phải chỉ cần gặp một “cao thủ” chỉ cho vài bí quyết là sẽ có những tấm ảnh đẹp ngay.
- Thiết bị tốt nhất chính là những thiết bị bạn đang có. Đừng chạy theo máy mới. Nên nhớ có máy ảnh tốt chưa chắc đã bảo đảm chụp được ảnh đẹp.
- Đón nhận lời khen và đừng quên nói “cám ơn”. Cũng nên nói thêm câu gì đó để có thể được nghe thêm những lời nhận xét cụ thể hơn. Người phê bình rất ngại chạm tự ái của mình nên thường không nói nhiều nếu không biết chắc là mình là người thực tâm muốn nghe.
- Đừng hà tiện lời khen, nhưng “Ảnh chụp đẹp lắm!” hay “Đẹp tuyệt!” không phải là những lời nhận xét có giá trị lắm. Cố gắng nêu cụ thể tấm hình đẹp ở chỗ nào: bố cục, ánh sáng, ý tưởng…?
- Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật nên cần phải có sự sáng tạo. Do đó luôn đi tìm sự mới lạ, táo bạo. Không nên đi theo vết xe của ai, kể cả vết xe của chính mình.
- Thường xuyên xem lại đống ảnh cũ bạn đã chụp. Thời gian chơi ảnh càng dài thì đống ảnh cũ càng có giá trị.
- Tham gia các cuộc thi ảnh đẹp. Dù thắng hay không thì mỗi lần dự thi bạn sẽ học hỏi được cái gì. Và giải thưởng dù dưới hình thức nào cũng sẽ giúp bạn tự tin và hứng thú để tiến xa hơn.
- Càng ít sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa photomatix càng tốt. Ảnh chỉnh sửa HDR luôn tạo cảm giác không trung thực.
- Lắng nghe lời nhận xét kể cả của những người không chuyên môn trong ngành nhiếp ảnh về những tấm ảnh của bạn. Nhận xét của ai cũng cần được lắng nghe và tôn trọng, kể cả vợ con.
- Không bao giờ nên chụp một người không muốn “bị” chụp.
- Luôn chú ý quay lại đằng sau. Nhiều khi những hình ảnh đẹp nhất lại ở phía sau lưng bạn. Khi đi chụp ảnh với một nhóm đông người cũng nên thỉnh thoảng nhìn lại sau lưng xem có đứng chắn ngay trước ống kính của ai không? Điều này xảy ra thường xuyên, cho nên dù đang say mê cũng cần chút tế nhị.
- Người chụp mới làm nên chuyện, máy ảnh không phải yếu tố quyết định.
- Không sợ phạm sai lầm. Càng mắc nhiều sai lầm càng học được nhiều điều hay.
- Bấm máy càng nhiều càng tốt. Nhưng dĩ nhiên trước mỗi khi bấm máy, chúng ta đã biết mình muốn chụp cái gì và máy ảnh đã được set đúng cách chưa?
- Luôn kiểm tra lại chế độ ISO và WB (White Balance). Thật là tai hại nếu nhận ra máy bị đặt sai ISO và WB sau khi đã chụp xong và về tới nhà!
- Tỏ lòng biết ơn về những lời nhận xét dài và có suy nghĩ đối với những tấm ảnh của bạn, dù những nhận xét ấy có nêu ra những nhược điểm của tấm ảnh.
- Đừng quá tin vào màn hình LCD. Thường hình ảnh trên màn hình LCD bao giờ cũng sáng và rõ nét hơn ảnh thật.
- Chú ý tới quang cảnh bầu trời và chờ đợi lúc bầu trời phù hợp với cảnh bạn muốn chụp. Luôn có mặt tại địa điểm chụp ảnh nửa tiếng trước khi mặt trời mọc hay mặt trời lặn.
- Luôn nỗ lực hết sức mình. Chụp thêm vài kiểu nữa ngay cả khi bạn nghĩ “thế là đủ” cũng không thừa.
- Năng tới chụp ở cùng một địa điểm càng nhiều càng tốt. Ánh sáng ở những thời điểm khác nhau sẽ cho quang cảnh khác nhau.
- Thỉnh thoảng cũng nên in phóng ảnh của bạn ở cỡ lớn. Bạn sẽ yêu thích những bức ảnh mình chụp hơn.
- Mỗi khi chụp, bạn hãy tự hỏi: “Mình muốn thể hiện điều gì trong bức ảnh của mình?”
- Henri Cartier-Benson cho rằng: “10 ngàn tấm ảnh đầu tiên là những tấm ảnh tệ nhất của bạn”.
Vậy bạn đã chụp được bao nhiêu tấm ảnh rồi?
Vũ Công Hiển tổng hợp qua tài liệu và kinh nghiệm.
Leave a Reply