Dựa theo Darren Rowse
Không có bộ sưu tập ảnh nào được coi là hoàn hảo nếu thiếu hình ảnh bình minh hoặc hoàng hôn.
Nhiều dân chơi ảnh có vẻ xem câu nói đó như là châm ngôn phải theo – tuy nhiên hầu hết những tấm ảnh chụp bình minh và hoàng hôn mà tôi thấy đều làm tôi thất vọng hoàn toàn. (Tommy Huczek on 500px)
Thật ra, chụp cảnh bình minh và hoàng hôn cũng không có gì khó!
Dưới đây là 12 bí quyết:
1. Chuẩn bị trước– Đôi khi những tấm ảnh chụp bình minh và hoàng hôn cũng khá đẹp mà không cần chuẩn bị gì cả, nhưng thường thì những tấm ảnh tuyệt đẹp vẫn là có sự chuẩn bị từ trước. Định vị trí nơi đứng chụp tốt nhất từ một hai ngày trước khi tới chụp. Tìm vị trí nào mà không những thấy cảnh mặt trời mà còn thấy tiền cảnh và silhouettes (bóng đen trên nền sáng). Hoàng hôn chỉ xảy ra khoảng nửa giờ đồng hồ, do đó nếu bạn muốn chụp những cảnh này thì cần chuẩn bị trước bằng không thì sẽ lỡ cơ hội.
Cần biết giờ mặt trời mọc hay lặn trong ngày và nên tới địa điểm trước ít nhất nửa giờ. Chính khoảng thời gian nửa giờ trước và nửa giờ sau khi mặt mọc hoặc lặn mới là thời điểm đẹp nhất để chụp.
Nên để ý đến thời tiết. Có nhiều dạng hoàng hôn tùy theo ánh sáng và bầu trời ra sao. Không phải chỉ lên đường khi trời trong xanh – chính khi trời có mây mới tạo ra màu sắc kỳ diệu. Chụp vào những ngày mà trong không gian có bụi hoặc khói cũng có thể tạo được những tấm ảnh đầy nghệ thuật.
Chuẩn bị những thiết bị cần thiết như chân máy, các loại ống kính, pin phòng hờ v.v.
2. Chụp với nhiều tiêu cự (focal lengths) khác nhau – khẩu độ rộng có thể tạo được những tấm ảnh với toàn cảnh. Nhưng nếu muốn chụp mặt trời như một yếu tố chính thì cần phải kéo nó lại gần (zoom in), khi đó bạn cần ống kính dài 200mm trở lên. Và như vậy không thể thiếu chân máy được!
Cũng nên biết rằng khi nhìn vào mặt trời là điều nguy hiểm, nhưng nhìn mặt trời qua một ống kính phóng đại (magnifying lens) lúc mặt trời vẫn còn cao thì còn nguy hiểm hơn nữa.
3. Dùng hình ảnh ngược sáng (Silhouette) làm điểm lấy rõ – Cũng như tất cả các ảnh chụp, hoàng hôn cũng cần một điểm nào đó là chính. Một trong các cách hay nhất là thêm vào tấm ảnh một hình ảnh sậm đen như dẫy núi, cái cây, hoặc người làm điểm lấy rõ (Focal points).
4. Qui tắc 1/3 – Luôn nhớ qui tắc 1/3 khi chụp cảnh bình minh và hoàng hôn. Mặc dù bạn có thể phá nguyên tắc đó nhưng cũng đừng nên để mặt trời, chân trời, hoặc vật làm silhouette nằm ngay chính giữa của tấm ảnh.
5. Chụp với nhiều độ phơi sáng (exposures) khác nhau – nếu bạn để cho máy quyết định về tốc độ thì coi như tấm ảnh sẽ không bắt được vẻ đẹp của ánh sáng. Thường thì ánh sáng sẽ bị thiếu do bầu trời còn tương đối sáng. Thay vì để máy tự động thì bạn nên dùng ưu tiên tốc độ hoặc ưu tiên khẩu độ và chụp dăm ba tấm với khẩu độ và tốc độ khác nhau.
Một điều thú vị khi chụp bình minh và hoàng hôn là không có thông số nào là đúng cả. Do đó bạn có thể chụp được những tấm ảnh rất nghệ thuật với các khẩu độ và tốc độ khác nhau. Cũng không phí công khi chụp thêm vài ba tấm nữa để rút kinh nghiệm.
Tôi thường cài đặt máy với ưu tiên tốc độ (Tv) và bắt đầu với tốc độ tương đối nhanh, sau đó giảm chậm dần.
6. Bracketing (chụp chùm ảnh) – Một kỹ thuật khác nữa để chụp được một tấm ảnh đủ sáng là dùng Bracketing hoặc Automatic Exposure Bracketing (AEB). Đây là chức năng tự động chụp nhiều bức ảnh có các mức phơi sáng khác nhau. Chức năng này cho bạn nhận được một tấm ảnh dư sáng, một tấm ảnh đủ sáng và một tấm ảnh thiếu sáng. (Cũng có thể chụp 5 hoặc 7 tấm nếu muốn). Hầu hết máy ảnh kỹ thuật số bây giờ đều có đặc tính này.
7. Auto Exposure Lock (khóa sáng tự động) – Một mẹo khác để lấy sáng khi chụp cảnh hoàng hôn là dùng nút Auto Exposure Lock. Bạn sẽ chĩa máy vào một điểm tối và bấm nút khóa sáng lại, sau đó quay máy trở lại khung cảnh với bố cục bạn muốn và bấm máy. Điều đó sẽ cho bạn một tấm ảnh sáng hơn.
8. Không dùng Auto White Balance (cân bằng trắng tự động)– khi bạn chọn Auto White Balance cho máy, bạn có thể bị mất một số tone màu ấm của bình minh và hoàng hôn. Thay vào đó bạn có thể chọn “cloudy” hoặc “shade” để cho máy làm hình ảnh ấm hơn (tức thêm màu vàng, cam, đỏ). Ngoài ra bạn cũng có thể chọn các cách khác về cân bằng trắng để có những tấm ảnh với những màu vẻ khác nhau.
9. Chân máy (Tripod)– Nếu muốn chụp với tốc độ chậm và tiêu cự xa (longer focal lengths) thì việc dùng chân máy hoặc một cách nào nào đó giữ cho máy hoàn toàn không rung là điều rất cần thiết.
10. Lấy nét bằng tay (manual focus)– đôi khi máy ảnh bị trở ngại để lấy nét khi chụp trong điều kiện ánh sáng thái quá. Nếu điều đó xảy ra thì bạn hãy chuyển qua lấy nét bằng tay thay vì lấy nét tự động (Auto Focus) để có thể chụp được tấm ảnh rõ đẹp.
11. Hãy nhìn xung quanh– Một điều thú vị khi chụp hoàng hôn là không những nó cho ta những tấm ảnh với màu sắc tuyệt vời trên bầu trời trước mặt mà hoàng hôn còn phủ màu sắc rực rỡ lên cảnh vật. Vậy hãy quan sát xung quanh thử xem. Ngoài phong cảnh, bạn cũng có thể chụp chân dung, macro… trong ánh sáng hoàng hôn ấm áp.
12. Cứ chụp tiếp – Bình minh và hoàng hôn thay đổi ánh sáng và màu sắc rất nhanh và tạo ra những màu sắc kỳ diệu khác nhau ngay cả khi mặt trời đã lặn. Do đó cứ tiếp tục bấm máy cho tới khi bạn thực sự cảm thấy xong rồi.
Bản dịch: Vũ Công Hiển
Hình ảnh: 500px
Leave a Reply