Đã từ lâu rồi, mình ấp ủ viết bài này nhưng đến bây giờ mới có thời gian để làm. Đây chính là nền móng cho những nhiếp ảnh gia trẻ muốn theo đuổi nghiệp ảnh và cũng định hướng cho các bạn chơi ảnh muốn chơi theo cách của mình. Những điều mình sẽ viết, đều dựa trên hệ thống nhiếp ảnh Hoa Kỳ, chưa hẳn đã đúng hoàn toàn và chưa chắc có thể áp dụng ở nhiều nơi, nhưng với kinh nghiệm của mình, mình tin là nó hợp lý.
Nhiều trường nhiếp ảnh của Mỹ đều có buổi seminar cho các sinh viên trước khi đăng ký để giới thiệu về chương trình đào tạo của họ và mỗi trường đều có hướng đi rất rõ ràng. Bản thân nhiếp ảnh là ngành vớ vấn nhưng nó cũng chia ra thành ba ngành khác nhau: Thương mại, Truyền thông và Nghệ thuật.
1. Nhiếp ảnh Thương mại:
Bản thân hai chữ thương mại cũng định nghĩa được thể loại này. Đây là hướng đi của các nhiếp ảnh gia chuyên chụp quảng cáo cho sản phẩm, thời trang, thiết bị, tóm lại là những thứ liên quan trực tiếp đến đồng tiền. Phương châm của họ cũng giống như tất cả những chủ doanh nghiệp khác: hoạt động kinh doanh ngành ảnh một cách hiệu quả tối đa.
Kĩ năng cần thiết: quản trị kinh doanh.
Kĩ năng tác nghiệp: ánh sáng (vì họ chủ yếu làm việc trong môi trường studio nên các kĩ năng sử dụng ánh sáng nhân tạo là tối quan trọng)
2. Nhiếp ảnh Truyền thông:
Media Photography bao gồm Photojournalism và Documentary Photography, nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh phóng sự. Phương châm quan trọng nhất đối với thể loại này là: khách quan và trung thực. Thể loại ảnh này có thể coi gắn liền với báo chí nhất. Đối với báo chí, chúng ta có thể thấy có những phương tiện truyền thông song song với nhau hoặc có thể kết hợp với nhau: bài viết, nhiếp ảnh, video và âm thanh. Nhiếp ảnh truyền thông là một công cụ để truyền tải thông tin.
Đối với các Media Photographers hay Photojournalists hoặc Documentary Photographers, họ cần làm những việc sau:
– Tìm kiếm thông tin
– Khai thác thông tin
– Truyền tải thông tin.
Điều này cũng áp dụng cho những người làm báo nói chung. Để làm tốt những việc này, hầu hết họ đều có trong bản thân đức tính “tò mò”. Vì phải tò mò thì mới tìm kiếm thông tin.
Nhiếp ảnh truyền thông có thể thực hiện dưới dạng ảnh đơn hoặc ảnh bộ. Ảnh bộ được chia làm ba loại: photo essay, photo story và photo collection. Mình sẽ viết về vấn đề này trong thời gian tới.
3. Nhiếp ảnh Nghệ thuật:
Fine Art Photography là thể loại nhiếp ảnh thể hiện tư tưởng và thông điệp của người nghệ sĩ. Nghĩa là, người nghệ sĩ nhiếp ảnh có một thông điệp cần truyền tải và họ dùng hình ảnh để đưa thông điệp đó. Trái với nhiếp ảnh truyền thông, nhiếp ảnh nghệ thuật hoàn toàn có sắp đặt. Conceptual photography, một tập con của Fine Art Photography là trường phái sắp đặt hoàn toàn, không vấn đề gì hết, miễn sao thể hiện được thông điệp của người nghệ sĩ.
Những bức ảnh cồn cát, quang gánh, bóng đổ, bà già mà nhiều tác giả xứ mình hay tự xưng là nghệ sĩ nhưng phủ định vấn đề sắp đặt, lại chẳng thuộc thể loại ảnh nào. Chả biết có phải thương mại không khi không có ai thuê họ chụp những ảnh đấy, cũng không thể là nhiếp ảnh truyền thông vì đã có sự sắp đặt và cũng khó coi đó là nhiếp ảnh nghệ thuật khi thông điệp của nghệ sĩ là không rõ ràng. Chả ai coi những mỹ từ hán việt rẻ riền kiểu “nỗi niềm, vết thời gian, giọt nắng, tình mẹ, chớm nở, không đề 1,2,3” là thông điệp cả. Người ta phải có thông điệp trước rồi mới chụp, chả ai đi chụp về rồi bịa tên ảnh làm thông điệp cả. Từ đó, chúng ta thấy rõ ba ngành khác nhau của nhiếp ảnh. Tất nhiên, nhiều khi, khái niệm của ba ngành này có thể dẫm lên nhau đôi chút nhưng chúng vẫn tách biệt khá rõ ràng. Những khái niệm như nhiếp ảnh chân dung, đường phố hay phong cảnh … không phải là thể loại nhiếp ảnh mà là chủ thể nhiếp ảnh (subject photography). Nhiếp ảnh chân dung, đường phố hay phong cảnh, vân vân có thể nằm ở cả ba ngành thương mại, truyền thông và nghệ thuật. Nói về đào tạo, nhiếp ảnh truyền thông và nghệ thuật đều đào tạo đến hệ Thạc sỹ, nhiếp ảnh thương mại chỉ đào tạo hệ đại học, vì thợ ảnh cần đếu phải học đến Cao học.
Nổi tiếng về đào tạo thương mại có Brooks Institute, Truyền thông có Boston University, Nghệ thuật có Mass Art.
Bài viết: James Dương
Leave a Reply