Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, bộ môn Nhiếp ảnh Nghệ thuật đã mang về cho VNCH nhiều vinh quang nhất trong các bộ môn nghệ thuật, trong các cuộc thi ảnh quốc tế. Những nhiếp ảnh gia bậc thầy như Phạm văn Mùi, Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Mạnh Đan, Lê Anh Tài, Lý Lan Siêu v.v… Lớp kề cận có Lê Văn Khoa, Khưu Từ Chấn, Đơn Hồng Oai, Nguyễn Ngọc Hạnh, Lại Hữu Đúc, Trần Đại Quang, Tôn Lập v.v… Trong các cuộc thi ảnh quốc tế lúc bấy giờ, ngoài sự có mặt các Nhiếp ảnh gia (NAG) của các nước thuộc khối tự do, tư bản, thỉnh thỏang vẫn có những NAG của các nước theo khối Sô Viết như Liên Xô, Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc. Rumany v.v…Tuyệt nhiên không thấy các NAG miền Bắc VN (VNDCCH), Trung Quốc (CHNDTH), và Triều Tiên tham dự. Tuy nhiên hiện nay hầu như các quốc gia trên thế giới đều có mặt trong các cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế không phân biệt thể chế chính trị, tôn giáo hay sắc tộc.

Hiện nay phong trào nhiếp ảnh thế giới đang đà phát triển, các Hội Nhiếp Ảnh được thành lập khắp nơi, mang mục đích trau dồi và phổ biến nghệ thuật, với số lượng hội viên càng ngày càng đông và tiến bộ về mọi phương diện, đã góp phần không nhỏ xây dựng lâu đài nhiếp ảnh mỗi lúc một cao đẹp hơn. Các cuộc triển lãm nhiếp ảnh quốc gia và quốc tế được tổ chức thường xuyên hơn khắp nơi trên thế giới, quy tụ những tác phẩm càng hay càng lạ,trưng bày những hình ảnh vô cùng phong phú từ hình thức đến nội dung, gây cảm hứng không ít cho mọi giới khán giả. Vì thế những quan niện sai lầm đặc nhẹ giá trị của nhiếp ảnh không còn nữa; trái lại nhiếp ảnh dã chứng minh về chiều cao không thua kém gì hội họa và các bộ môn nghệ thuật khác. Nhiếp ảnh được nhân rộng và đi xa hơn, làm thõa mãn đủ mọi giới, từ những nghệ sĩ sành sỏi khó tính, đến thành phần đại chúng bình dân, từ người cao niên đến các em nhỏ, từ những thành thị hoa lệ đến thôn làng xa xôi.

Nhiếp ảnh còn được giao phó nhiệm vụ quan trọng, cao cả mà không ai ngờ đến. Họa sư Henry Matisse xác nhận giá trị tả chân của nhiếp ảnh, ông nói: “Nếu tôi muốn ngắm một cảnh vật nào một cách bình thản, vô tư, thì nhiếp ảnh giải quyết cho tôi vấn đề ấy. Và khi nào tôi muốn rũ bỏ tất cả những ảnh hưởng làm cho cảnh thiên nhiên không diễn tả đúng thực trạng của nó, tôi bèn chép theo những bức ảnh”.

“Cảm nghĩ của chúng ta thường bị hạn chế, hướng dẫn bởi tư tưởng của họa sĩ gửi gắm trong tác phẩm của họ, còn tài liệu nhiếp ảnh trình bày xác thực, không chút thiên vị.”

“Nhiếp ảnh tách rời hẳn hai loại tác phẩm hội họa: “Tả ý và tả chân”.Nếu đặt cạnh nhiếp ảnh, thì họa “tả chân” không còn chỗ đứng vững như xưa kia nữa”.

Brassai nói khả năng diễn tả của nhiếp ảnh trên phương diện nghệ thuật như sau:

“Nhiếp ảnh được phát minh với sự mầu nhiệm của nó, làm cho việc ghi lại cảnh vật thiên nhiên do mắt ta nhìn thấy không còn chỉ qua sự diễn tả của các họa sĩ, tất nhiên còn mang ý thức chủ quan, khác với vật kính vô tư. Nhiếp ảnh còn ghi lại cảnh vật dưới mọi khía cạnh, bộc lộ những mới lạ mà ta chưa từng thấy. Đặc biệi là không một đề tài nào đã bị khai thác đến triệt để kìm hãm ta không còn tìm ra những tính cách mới chưa được khám phá. Chính sự bộc lộ được những vẻ đẹp kín đáo, chưa ai nghĩ đến, làm cho những gì tầm thường trở nên phi thường mà nhiếp ảnh mang đến cho sự tầm thường ấy một thi vị đặc biệt dẫn đến nghệ thuật thuần túy”.

Ernst Haas lại trao phó cho nhiếp ảnh vai trò quan trọng hơn, phục vụ cho khoa học và lý tưởng:

“Mắt kính thu ghi tất cả thực trạng của sự sống, ngay từ khi sự sống mới thành hình, từ hạt nguyên tử li ti đến những chòm sao vĩ đại trong không gian xa vời, nó làm cho con người nhìn thấy cả những gì nếu không nhờ nó thì không thể thấy được.

“ Nhưng nếu nhiếp ảnh chỉ hướng vào việc khám phá những sự xa lạ mà xao lãng việc tìm hiểu ‘con người’ thì nó chưa làm tròn sứ mạng của nó. Hình ảnh do nhiếp ảnh cung cấp phải là một ‘thế giới ngữ’ giao nối giữa Người và Người, hóa giải nhân loại đang bị chia rẽ trầm trọng, làm cho con người biết yêu mến hành tinh này, trên đó con người sinh sống, và lôi kéo con người  trở về với ‘quê hương chung’ là địa cầu mà con người đang vô tình làm cho nó dần dà bị hủy họai”. Chính vì yêu mến và kỳ vọng ở nhiếp ảnh nên các nhiếp ảnh gia đã mang hết tâm tư trau dồi nhiếp ảnh, dùng nghệ thuật để gửi gắm vào tác phẩm của mình trong những thể loại: Thiên Nhiên, Môi Trường và Đời Sống…với mục dích cao cả phục vụ cho lý tưởng.

Tác phẩm nhiếp ảnh quốc tế hầu hết thuộc loại khách quan (photos objectives), chủ trương ghi nhận vả trình bày hết vẻ đẹp hình thức, đường nét rõ rệt. ánh sáng linh động, tương phản mạnh bố cục vững chải, diễn tả một sự việc cấu tạo bởi tài liệu xác thực do hóa công xếp đặt hay do con người xây dựng. Nhiếp ảnh gia khi thu hình tạo hình cần tự quên mình. nhìn cảnh vật hết sức bình thản, vô tư trí óc sáng suốt về thẩm mỹ, nhận xét có thứ tự, khoa học, để nghiên cứu đề tài… Như vậy tác phảm diễn tả hết sức trung thực trạng thái của cảnh vật, dành cho khán giả toàn quyền thưởng thức. Những tác phẩm này ví như giỏ hoa glaieul, chùm hoa phong lan, đóa hoa phù dung, thực là lộng lẫy duyên dáng, hấp dẫn…

Loại ảnh khách quan tuy rất đẹp, có giá trị nghệ thuật cao, nhưng chưa làm thỏa mãn đầu óc Đông Phương, đầu óc Việt Nam, vốn dĩ thuộc giòng giống đa cảm, từ ngàn xưa sống trong nghèo nàn, trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, luôn phải tranh đấu để bảo vệ giống nòi. Những đầu óc và văn hóa Đông phương muốn có những bông hoa chẳng những có sắc mà còn có hương, mùi hương nhẹ nhàng, kin đáo, thanh khiết….

Những bậc tiền bối của nền nhiếp ảnh Việt Nam sau bao tháng ngày thảo luận, nghiên cứu, học hỏi, cũng đưa ra một quy định làm tiêu chuẩn cho bộ môn Nhiếp ảnh Nghệ thuật như sau:

Điểm thứ nhất– Tác phẩm nhiếp ảnh ngoài những tính chất hình thức căn bản và tối thiểu về kỷ thuật và mỹ thuật, còn phải chứa đựng một nội dung, bao hàm một ý nghiã, diễn tả một tư tưởng, một triết lý cao đẹp để có thể phục vụ toàn vẹn nghệ thuật. 

Điểm thứ hai – Minh định nội dung cần có trong một tác phẩm nhiếp ảnh bao gồm những gì?

Ưu điểm cuả mỗi dân tộc trong nghệ thuật đều bắt nguồn từ văn hóa của dân tộc ấy. Dân tộc Việt Nam tự hào có một nền văn hóa vững chải từ 4000 năm, dù bao phen bị lung lạc bởi ảnh hưởng và lấn át của hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa và sau cùng của văn hóa Pháp, nhưng vẫn không bị suy sụp, trái lại còn biết thâu lượm những ưu điểm của văn hóa bạn mà xây dựng, tô điểm cho văn hóa cổ truyền dân tộc càng thêm phong phú.

Kho tàng văn hóa Việt Nam thực là vĩ đại, một sắc thái riêng biệt, không giống với văn hóa các nước láng giềng. Vậy những chi tiết của kho tàng ấy sẽ cung cấp cho bộ môn nhiếp ảnh Việt Nam bao đề tài quý hiếm, xây dựng một căn bản vững chắc cho phần nội dung, miễn sao các bạn đủ nhiệt tâm khai thác, với một kỷ thuật điêu luyện, thêm một tâm hồn nghệ sĩ.

Điểm thứ ba – “Dân tộc tính” trong nhiếp ảnh Việt Nam là gì?

  • Chiếc nón lá cổ truyền che đầu cô lái đò ngang, người nông phu chăm lo vụ mùa cày cấy.
  • Chiếc áo dài thướt tha trong gió của những cô thôn nữ trong những ngày hội làng.
  • Những lũy tre xanh, những vườn cau nhô cao nơi miền thôn dã
  • Những chiếc thuyền nang mong manh trên giòng suối uốn lượn khúc khuỷu.
  • Những bác ngư dân đang tung chài dưới cơn mưa tầm tả, hay duới ánh nắng chói chan.
  • Những tà áo trắng thướt tha trước cổng trường hay dập dìu mỗi khi tan học.
  • Cây đa đầu làng bên mái đình làng cong cong v.v…

Một bức ảnh ghi được một hay nhiều chi tiết ấy đã đủ diễn tả được “dân tộc tính” chưa?

Không ai phủ nhận rằng những chi tiết này có mang rõ rệt màu sắc dân tộc. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng nhận rằng chi tiết này rất cẩn thiết nhưng chưa phải là tất cả, chưa đủ để tự nó nói lên được“dân tộc tính”. Nó chỉ giúp cho nhiếp ảnh một hình thức cấu tạo nên một bức ảnh có một ý niệm gợi cảm, một nhắc nhở về đề tài. Nó thiếu một điều tế nhị hơn, hấp dẫn hơn, cao xa hơn, trừu tượng hơn, một điều căn bản về tinh thần, đó là phần “hồn” của tác phẩm.

“Hồn Dân Tộc” trong một tác phẩm nhiếp ảnh cũng như linh hồn con người, nó là vô hình,nó là sự liên kết những yếu điểm chứa đựng trong tác phẩm, nó là tất cả những cái đẹp cái hay, cái sức diển tả,dều tiềm ẩn ở chung một chỗ mà chỉ có linh hồn con người mới thông cảm, mới nhận thấy. Cụ thể hơn, nó là sự dung hòa của đường nét, của khối lượng ánh sáng, của sắc điệu, của bố cục. Thêm một ý nghĩa, một cảm giác, một tâm hồn mà sự dung hòa tới mức tinh vi, để kết tinh lại thành một sức sống, mang nặng sắc thái Việt Nam…

Điểm thứ tư: Đã minh định như vậy, thì người nghệ sĩ tiêu chuẩn thế nào để thực hiện đường lối ấy?

Trước hết phải nắm vững kỹ thuật thu hình và kỷ thuật phòng tối, hay Lightroom, Photoshop để chỉnh sửa tối thiểu sắc màu cho đúng thực tế hiện trường, nếu chưa sáng tạo được một kỹ thuật riêng biệt.

Phải hiểu thấu đáo và phân biệt về mỹ thuật của một bức ảnh, Phải biết nhìn ngắm cảnh vật để khai thác vẻ đẹp nhiều khi rất kín đáo.

Trau dồi kỹ tthuật cũng như tự luyện năng khiếu thẩm mỹ, cùng một tâm hồn phong phú, nhạy cảm của người nghệ sĩ. Biết khai thác những sắc thái riêng của mỗi địa phương, mỗi dân tộc.

Những lời phê bình chân thành tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam qua báo chí tây phương đã là một phần thưởng tinh thần quý báu, khuyến khích chúng ta rất nhiều trên con đường nghệ thuật:

  • Tác phẩm Việt đều đượm một vẻ đẹp huyền ảo, đặc biệt Á Đông.
  • Tác phẩm Việt Nam gợi lên một cảm giác dịu nhẹ, mỗi tác phẩm là một bài thơ.
  • Tác phẩm Việt Nam biểu lộ một cá tính đặc biệt, nhờ sự tế nhị mà không thiếu sức sống, một hồn thơ man mác sau cảnh vật và cách bố cục hoàn hảo, hấp dẫn. Đề tài đơn giản mà chứa đựng nhiều hồn, nói lên sức sống động bên trong mọi người mọi vật.

Hội Trưởng Hội Nhiếp ảnh Perigueux trong kỳ Triển lãm Quốc tế tại Pháp trước đây đã viết thêm như sau:

“Việt Nam đọat huy chương vàng thật xứng đáng. Riêng tôi được biết các bạn có một kho tài liệu vô cùng quý gíá. Kho tàng ấy nằm rải rác khắp mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ trong rừng ra đến bãi biển,các bạn sẽ còn thành công nếu biết khai thác đúng mức, kho tàng ấy chính là nền văn hóa cổ truyền của các bạn”.

(Trích bài nói chuyện của Giáo sư Nhiếp ảnh  Pham Văn Mùi cách đây  trên 50 năm tại Hội Ảnh Việt Mỹ)

Ducte Le